Kinh tếNông thôn mới

Chung tay giữ vững tiêu chí “mềm” về môi trường

09:13 - Chủ Nhật, 31/07/2022 Lượt xem: 6602 In bài viết

ĐBP - Giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo “bức tranh” nông thôn khang trang, sạch đẹp là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới (NTM). Thế nhưng, môi trường là tiêu chí “mềm”, được xem là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất, đòi hỏi sự tham gia tích cực, liên tục của người dân. Xác định được điều đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như đoàn thể, nhân dân cần chung tay, phấn đấu và giữ vững tiêu chí “mềm” này, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp, giúp địa phương sớm về đích theo đúng lộ trình và giữ vững tiêu chí NTM.

Hội viên Hội Phụ nữ bản Cà Phê, xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) dọn dẹp, vệ sinh trên tuyến đường hoa của bản.

Về xã Thanh Xương (huyện Điện Biên), những ngày này, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay về diện mạo, cảnh quan môi trường của một “bức tranh” nông thôn tươi đẹp. Xuất phát từ ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân, những con đường bê tông liên xã, thôn, bản không chỉ sạch sẽ, mà còn được tô điểm bởi các loài hoa khoe sắc. Nhờ sự chung tay của toàn cộng đồng, việc bảo vệ môi trường đã lan tỏa rộng khắp và đó cũng là trách nhiệm chung của toàn dân, một phần để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống ở nơi đây.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông kiên cố, sạch sẽ, với những luống hoa xanh tốt, tỏa hương 2 bên đường, bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng thôn C9, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) phấn khởi nói: “Trước đây, khi chưa làm tuyến đường này, bà con đi lại rất vất vả vì đường đất lầy lội và khó đi. Nhưng từ khi được đầu tư, đổ bê tông cả tuyến, nhân dân rất phấn khởi. Và cũng từ đó, bà con càng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường chung, như không còn tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi ra đường. Hơn thế là mọi người còn cùng nhau trồng hoa, tạo cảnh quan ngày càng xanh - sạch - đẹp. Gia đình nào cũng bận bịu với việc làm ăn, phát triển kinh tế, nhưng ý thức bảo vệ môi trường có rất nhiều chuyển biến nên khi thôn phát động vệ sinh đường sá cùng với các đoàn thể, tổ chức, hộ nào cũng cắt cử người, dành thời gian để chăm sóc, cắt tỉa cho những luống hoa, hàng cây trước nhà, nhằm góp phần tạo mỹ quan cho tuyến đường trong thôn”. 

Thực hiện tiêu chí số 17 (môi trường) trong xây dựng NTM, xã Thanh Xương nói riêng và huyện Điện Biên nói chung đã nỗ lực phấn đấu để xây dựng những tuyến đường ngày càng khang trang, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Đến nay, toàn huyện có 17/21 xã cơ bản đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, cho biết: Nhờ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện tiêu chí số 17 nên nhận thức của mọi người dân về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, sản xuất chế biến, dần được thay đổi. Hiện nay, số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong huyện đạt tỷ lệ 90%; nhiều gia đình đã chú trọng xây dựng các công trình vệ sinh môi trường, như: Hố chứa chất thải chăn nuôi; xây dựng bể thu gom rác thải... Cùng với đó, chính quyền và nhân dân cũng tập trung thực hiện thu gom rác thải trên tuyến trục đường từ xã Thanh Xương đến xã Pom Lót và khu vực các xã Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Hưng, vận chuyển về bãi rác thải tập trung của huyện tại xã Pom Lót; qua đó bộ mặt NTM các xã ngày càng khang trang, sạch, đẹp, cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Là một trong những tiêu chí khó nên để thực hiện tiêu chí môi trường rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng như sự đồng lòng, chung tay của toàn dân. Để người dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí NTM, đặc biệt chú trọng đến việc duy trì phong trào “xanh - sạch - đẹp”, các địa phương đã tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường.

Ông Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) cho biết: Cùng với sự vào cuộc của chính quyền thì nhân dân có vai trò rất quan trọng, quyết định việc phấn đấu đạt cũng như duy trì tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM; nhân dân có chung sức, đồng lòng thì mới thực hiện được. Vậy nên, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để mọi người cùng được biết, cùng chung tay bảo vệ môi trường… Với số lượng hội viên đông đảo, chính quyền xã đã giao cho Hội Phụ nữ vận động hội viên thường xuyên tham gia phong trào thi đua bảo vệ môi trường. Các cấp hội cũng tuyên truyền, hướng dẫn hội viên xử lý chất thải, như: Đối với chất thải hữu cơ tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc thu gom tại hố rác của các gia đình để làm phân hữu cơ; đối với chất thải rắn vô cơ (túi nilon, vỏ chai…) xử lý bằng phương pháp đốt hoặc tận dụng để tái chế. Và mỗi gia đình đều xây dựng 1 hố rác để phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngay tại gia đình…

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nông thôn và đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong đó nhiều nơi đã chủ động xây dựng các khu thu gom rác tập trung; tích cực tuyên truyền tới người dân và các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tính đến tháng 1/2022, toàn tỉnh có 100/115 xã đạt tỷ lệ về cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp có 78/115 xã đạt. Chất thải rắn, nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom xử lý theo quy định có 70/115 xã đạt; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường có 61/115 xã đạt…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tiêu chí 17 môi trường là tiêu chí khó thực hiện và khó giữ vững nhất nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng. Nếu địa phương nào không đảm bảo được 5 nội dung: Tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 75%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định, thì không thể thực hiện và duy trì tiêu chí về môi trường. Hết năm 2021, toàn tỉnh có 69/115 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, đạt 60% (tăng 22 xã so với năm 2020). Thế nhưng để giữ vững được những kết quả ấy, trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương cần quan tâm và huy động sự tham gia thường xuyên, liên tục của mọi người, mọi nhà, nhằm bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn…

Trước xu hướng phát triển như hiện nay, lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, vì vậy để xây dựng môi trường NTM xanh - sạch - đẹp, cùng với các ban, ngành, đoàn thể, mỗi người dân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức và tích cực vào cuộc để gìn giữ vệ sinh môi trường chung; đó cũng là cách để mỗi chúng ta bảo vệ cuộc sống của chính mình, người thân cũng như toàn thể cộng đồng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top